Với vị trí chiến lược về địa lý, chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, cùng việc sớm nhận diện được nguồn tiềm năng to lớn đó, Quảng Ninh chủ động đi đầu xây dựng, ban hành Chương trình hành động số 27-CTr/TU (ngày 27/3/2019) thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040; ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu hướng đến là xây dựng Quảng Ninh phát triển trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là cửa ngõ, động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ với hệ thống cảng biển nước sâu; trọng tâm là các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà, gắn với các ngành kinh tế biển; trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới thông qua đường biển.
Ngay sau khi Chương trình hành động số 27-CTr/TU, Nghị quyết số 15-NQ/TU ra đời, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã nghiêm túc lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền triển khai thực hiện. Cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy các địa phương, cơ quan, đơn vị đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các văn bản tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân để tạo sự đồng thuận. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện sát với thực tiễn địa phương. Trong đó tập trung cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển; xây dựng lộ trình hoàn thành; thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TU gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Xác định hoàn thiện hạ tầng là một trong những yêu cầu cấp thiết để mở ra cơ hội mới trong phát triển kinh tế cảng biển và dịch vụ cảng biển, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, Quảng Ninh dành nguồn vốn ngân sách để phát triển hạ tầng cảng biển, dịch vụ cảng biển và hạ tầng giao thông; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, mở rộng hợp tác với nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước nghiên cứu, đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển. Các địa phương cũng rà soát, đề xuất xây dựng quy hoạch hệ thống cảng biển gắn với hệ thống giao thông kết nối các KCN, KKT, các vùng sản xuất lớn và những khu vực có tiềm năng về phát triển cảng biển, dịch vụ cảng biển, du lịch.
Điển hình, TP Hạ Long đã rà soát lại các dự án, quy hoạch bên bờ Vịnh Cửa Lục, với mục tiêu định hướng lại các khu vực cần đầu tư, làm cơ sở hình thành các bến du thuyền tiêu chuẩn. Trong đó xác định không phát triển mở rộng bến cảng xăng dầu B12, phối hợp xây dựng kế hoạch di dời phù hợp với quy hoạch; giữ nguyên quy mô hiện trạng bến cảng của các nhà máy xi măng, nhiệt điện, nghiên cứu di dời hoặc chuyển đổi công năng cùng với lộ trình di dời các nhà máy xi măng, nhiệt điện tại khu vực; cải tạo, nâng cấp, xây mới đồng bộ hạ tầng bến cảng tại khu bến Cái Lân. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình, nhất là những công trình kết nối giữa các khu vực của thành phố, như: Cải tạo, chỉnh trang, mở rộng đường kết nối từ cầu Cửa Lục 1 đến ngã ba Kênh Đồng (phường Giếng Đáy); tuyến đường Đồng Cao - Đò Bang (xã Thống Nhất); đường đấu nối QL279 đến tỉnh lộ 342...
Cùng với tập trung cho đầu tư hạ tầng cảng biển, dịch vụ cảng biển và hạ tầng giao thông chiến lược, quy hoạch hệ thống cảng biển Quảng Ninh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã được điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch các KCN, KKT và cập nhật vào quy hoạch xây dựng, quy hoạch tỉnh nhằm xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn 2021-2030; xác định quỹ đất dành cho phát triển dịch vụ kho bãi, khu hậu cần logistics.
Nhiều ngành kinh tế biển và ven biển trở thành động lực tăng trưởng. Trong đó ngành du lịch và dịch vụ biển vượt qua khó khăn trong dịch bệnh, tiếp tục phát triển, khẳng định thương hiệu, vị thế của Quảng Ninh, một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước. Không gian du lịch biển tiếp tục được mở rộng và phát triển. Cơ sở hạ tầng tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Nhiều sản phẩm, loại hình du lịch chất lượng, đặc sắc, đa dạng có giá trị gia tăng cao đã ra đời.
Quy mô ngành kinh tế hàng hải ngày càng gia tăng, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong giá trị gia tăng của kinh tế biển. Giai đoạn 2019-2022, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,84%; tổng thu ngân sách ngành kinh tế hàng hải đạt 8.750 tỷ đồng, chiếm 29,65% trong tổng số thu ngân sách các ngành kinh tế biển.
Đáng chú ý, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển được đầu tư đảm bảo sự đồng bộ, hiện đại, như hoàn thành đưa vào khai thác Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long theo tiêu chuẩn cảng khách du lịch quốc tế; hoàn thành mục tiêu thu hút đầu tư dự án cảng biển quan trọng, gồm: Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh, nghiên cứu đầu tư cảng Con Ong - Hòn Nét, cảng Hải Hà; nghiên cứu đưa vào quy hoạch các bến du thuyền tiêu chuẩn quốc tế tại khu vực Vịnh Cửa Lục.
Hệ thống giao thông kết nối được triển khai, từng bước phát huy hiệu quả. Đến nay toàn tỉnh đã triển khai 8 dự án, tổng mức đầu tư trên 15.500 tỷ đồng. Hiện đã hoàn thành và đưa vào khai thác 4 dự án công trình: Đường nối KCN Cái Lân đến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; đường kết nối đường tỉnh 331 với đường tỉnh 338 (TX Quảng Yên); đường trục chính thứ 2 của KCN cảng biển Hải Hà và đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả... Các dich vụ cảng biển chủ đạo, thế mạnh của tỉnh đang hình thành, phát triển thêm khác, như: Dịch vụ lưu kho bãi và cho thuê kho bãi, xếp dỡ hàng hóa; dịch vụ vận tải các cảng hàng hóa...
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tầm nhìn và định hướng chiến lược về phát triển kinh tế biển của Quảng Ninh cơ bản phát triển toàn diện, đúng hướng, từng bước được định hình rõ nét. Quảng Ninh từng bước trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, nòng cốt là các hoạt động cảng biển, du lịch và khu công nghiệp ven biển, phát triển các khu đô thị, thương mại gắn với vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ, ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, tài nguyên biển; nâng cao nhận thức nhân dân về vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Để tiếp tục đánh thức tiềm năng, thế mạnh của biển, mục tiêu hướng đến phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh; xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước đã được nhấn mạnh trong ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại chuyến thăm và làm việc tại tỉnh, cũng như phù hợp với các chỉ đạo mới của Bộ Chính trị, Chính phủ, giai đoạn tới Quảng Ninh tiếp tục ban hành chủ trương, chính sách cùng những giải pháp mới, tập trung cho các khâu đột phá để phát triển bền vững kinh tế biển. Trong đó động lực chính vẫn là du lịch biển gắn với kinh tế biển; các KCN, KKT và khu đô thị biển; phát triển ngành năng lực tái tạo và ngành kinh tế biển mới, cùng những yếu tố mới liên quan đến kết nối chặt chẽ giữa hệ thống cảng biển với hệ thống cảng, bến thủy nội địa.
Theo Chính quyền điện tử Quảng Ninh