Sân bay Quảng Trị: T&T Group – Cienco 4 sẵn sàng thi công từ tháng 5
Tin tức

Sân bay Quảng Trị: T&T Group – Cienco 4 sẵn sàng thi công từ tháng 5

Liên danh nhà đầu tư T&T Group – Cienco 4 cho biết đã sẵn sàng thi công đồng loạt các hạng mục đường cất hạ cánh, sân đỗ máy bay, đài kiểm soát không lưu, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhà ga hành khách... từ tháng 5.

Ngày 27/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã kiểm tra tiến độ hai dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Trị là dự án khu bến cảng Mỹ Thuỷ và cảng hàng không Quảng Trị.

Trên công trường sân bay Quảng Trị, liên danh nhà đầu tư T&T Group – Cienco 4 đã báo cáo Phó Thủ tướng về tiến độ nhiều hạng mục quan trọng, như sân đỗ, nhà điều hành, trạm bê tông đã hoàn tất.

Theo đó, T&T Group – Cienco 4 sẵn sàng cho việc thi công đồng loạt các hạng mục đường cất hạ cánh dài 3.000 m, sân đỗ máy bay, đài kiểm soát không lưu, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhà ga hành khách... từ tháng 5.

Dự án có mục tiêu khai thác từ tháng 7/2026 với công suất 500.000 hành khách/năm. Khi đầu tư hoàn chỉnh, công suất của sân bay Quảng Trị sẽ đạt 5 triệu hành khách/năm.

Liên danh nhà đầu tư kiến nghị cơ quan chức năng cho phép tiếp tục triển khai đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng để sớm nâng cấp quy mô sân bay đạt cấp 4E, tiếp nhận không hạn chế các loại máy bay; bảo đảm khai thác tàu bay Code E, đáp ứng công suất khai thác 1,5 triệu tấn hàng hoá/năm.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tập đoàn T&T đã đề xuất điều chỉnh quy hoạch, xây dựng tổ hợp hàng không tầm cỡ khu vực và quốc tế với tổng diện tích lên tới hơn 10.800 ha tại sân bay Quảng Trị.

Tổ hợp được đề xuất bao gồm: cảng hàng không, trung tâm trung chuyển hàng hoá, tổ hợp công nghiệp hàng không (nghiên cứu phát triển sản xuất chế tạo linh kiện, phụ tùng tàu bay, lắp ráp, hoàn thiện tàu bay, bảo trì - bảo dưỡng, đào tạo, huấn luyện kỹ thuật viên, thử nghiệm công nghệ hàng không,...), đô thị sân bay.

Đánh giá những dự án như sân bay Quảng Trị sẽ góp phần giúp địa phương "cất cánh", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị nhà đầu tư nghiên cứu phương án kết nối giao thông bằng đường bộ, đường sắt để hoạt động di chuyển của hàng khách, dịch vụ vận tải logistic diễn ra nhanh chóng, thuận tiện.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai dự án, nhà đầu tư cần có tầm nhìn lâu dài, rộng mở để phát triển hệ sinh thái công nghiệp hàng không hoàn chỉnh, thu hút các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực hàng không, chế tạo thiết bị, logistics và dịch vụ quốc tế.

Sân bay Quảng Trị được xây dựng tại huyện Gio Linh với quy mô hơn 265 ha, tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng. Dự án đã được khởi công vào tháng 7/2024, dự kiến vận hành từ tháng 7/2026.

Phó Thủ tướng Trần Hòng Hà kiểm tra tiến độ dự án sân bay Quảng Trị.

Với dự án khu bến cảng Mỹ Thuỷ, tỉnh Quảng Trị kiến nghị Chính phủ sớm bố trí vốn cho các tuyến kết nối quan trọng, như Quốc lộ 15D (liên kết cảng Mỹ Thuỷ với cửa khẩu quốc tế La Lay) và cao tốc Cam Lộ – Lao Bảo.

Theo lãnh đạo địa phương, việc đầu tư vào các dự án giao thông kết nối sẽ góp phần đồng bộ với hệ thống logistics khu vực vào năm 2030, tạo động lực lớn thúc đẩy xuất nhập khẩu khoáng sản, nông sản, hàng hoá giữa Lào, Thái Lan và Việt Nam.

Nhận định tầm nhìn phát triển cảng Mỹ Thuỷ cần hướng tới xây dựng một hệ sinh thái cảng biển mà hạ tầng được đầu tư đồng bộ theo tiêu chuẩn "xanh", Phó Thủ tướng đề nghị nhà đầu tư tính toán kỹ lưỡng các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường, ưu tiên sử dụng và cung cấp các nguồn nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo thay thế cho nhiên liệu hóa thạch truyền thống.

Song song đó, các dịch vụ hỗ trợ, như sửa chữa tàu biển, xử lý nước thải, quản lý chất thải phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường; đồng thời ứng dụng công nghệ thông minh trong điều hành, quản lý khai thác cảng.

Theo Phó Thủ tướng, hệ thống giao thông kết nối với cảng Mỹ Thuỷ phải tính đến các tuyến đường sắt, mở ra khả năng vận chuyển đa phương thức, kết nối trực tiếp với mạng lưới giao thông quốc gia và quốc tế, nhằm giảm tối đa chi phí logistics, từ đó đưa Mỹ Thuỷ trở thành điểm đến hấp dẫn cho hàng hoá xuất nhập khẩu và các nhà đầu tư chiến lược vào các khu đô thị - công nghiệp - dịch vụ đi kèm.

Cảng Mỹ Thuỷ có quy mô 10 bến, được kỳ vọng tiếp nhận tàu container đến 100.000 DWT và tàu chở LNG 150.000 DWT (giai đoạn 1 là 4 bến, giai đoạn 2 là ba bến; giai đoạn 3 là ba bến). Dự án có vốn đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng.

Hiện tại, dự án đang thi công giai đoạn 1, với mục tiêu đưa bến số 1 vào vận hành cuối năm nay và hoàn thành toàn bộ 4 bến trong năm 2027, có thể tiếp nhận tàu hàng đến 100.000 DWT và 12 triệu tấn hàng hoá qua cảng/năm.

Theo: https://vietnambiz.vn/san-bay-quang-tri-tt-group-cienco-4-san-sang-thi-cong-tu-thang-5-20254287555673.htm

Xem thêm